Bài viết

7 bí quyết TẠO ĐỘNG LỰC cho nhân viên. Áp dụng ngay!

Tạo động Lực

Làm sao để nhân viên hăng say làm việc?

Trong bài viết này, tôi chia sẻ 7 bí quyết tạo động lực, mà bạn có thể áp dụng ngay khi đọc:

Bí quyết tạo động lực #1: Đừng cho ăn cá thối. Hãy cho ăn cà rốt.

Tỷ phú Andrew Carnegie được mệnh danh là ông Vua thép của nền công nghiệp Mỹ.

Trong cuộc họp giao, Hội đồng Quản trị phê bình một số nhân viên làm việc riêng và nói chuyện phiếm trong giờ làm việc. Họ đề nghị Andrew Carnegie ra quyết định kỷ luật, nếu còn tái phạm, những nhân viên này sẽ bị trừ lương.

Sau ít phút suy nghĩ, Andrew Carnegie nói sẽ xử lý việc này trong thời gian sớm nhất. Nếu bạn là Carnegie, bạn sẽ làm thế nào?

Sáng hôm sau, tất cả nhân viên thấy một quyết định của Andrew Carnegie với nội dung:

  • Mục đích của tôi là tạo ra môi trường làm việc thân thiện, để mọi người cảm thấy như ở nhà mình.
  • Các bạn có thể nói chuyện trong giờ làm việc, nhưng hãy thật hạn chế.
  • Tôi xin nhắc lại, hạn chế nhé, vì công việc chung của công ty.

Thoạt đầu cứ ngỡ như Andrew Carnegie quá dễ dãi, nhưng chỉ một thời gian, thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Hầu như không còn nhân viên nào làm việc riêng hay nói chuyện phiếm trong giờ làm việc nữa. Họ chỉ nói chuyện những lúc giải lao, nghỉ trưa, hay hết giờ làm việc.

Cách nhắc nhở của Carnegie giúp nhân viên cảm thấy được tôn trọng. Họ nhận thức được rằng, mình cần hành động vì công ty, hơn là vì sở thích cá nhân.

Bây giờ, thử nghĩ xem:

  • Khi nhân viên có sai sót, hoặc khiến bạn không hài lòng… Thậm chí, gây thiệt hại cho công ty. Bạn sẽ làm gì?

Tôi chưa biết!

Luôn có nhiều cách để giải quyết cùng một vấn đề.

Ví dụ một số nhà lãnh đạo sẽ quẳng ngay vào mặt nhân viên những chú “cá thối”, bằng cách: La mắng và Chỉ trích thậm tệ.

Tuy nhiên, nếu bạn là nhà Lãnh đạo Hiệp lực, hãy nhớ tới hình ảnh của ông vua thép Andrew Carnegie.

Thay vì cho nhân viên ăn “cá thối”, hãy:

  • Định hướng họ tới những hành vi mà bạn mong muốn.
  • Sau đó, động viên và khích lệ họ bằng những củ “cà rốt” tươi mát để củng cố hành vi đó.

Giống như Andrew Carnegie, cộng sự đắc lực Schwab cũng có một “tài năng” đặc biệt, đó là:

Ông biết cách khen ngợi và không kiệm lời khen với nhân viên.

Schwab nói: “Tôi kém chuyên môn, nhưng có tài khơi gợi được lòng hăng hái ở mọi người”.

ÁP DỤNG BÍ QUYẾT #1: ĐỪNG CHO ĂN CÁ THỐI. HÃY CHO ĂN CÀ RỐT!!!

Nào, hãy liếc nhìn xung quanh và trao ngay một củ cà rốt tươi mát cho người đang ở bên cạnh bạn! Tôi tin chắc rằng điều kỳ diệu sẽ xẩy ra!

Bí quyết tạo động lực #2: Cẩn trọng với con dao hai lưỡi của bạn.

“Hãy bắt đầu bằng lời khen.”

Câu nói nổi tiếng của Dale Carnegie trong cuốn sách “Đắc nhân tâm” được 15 triệu độc giả khắc cốt ghi tâm và ứng dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Đúng vậy:

Những củ cà rốt “khen ngợi” luôn là món ăn tinh thần tươi mát tạo động lực tức thì cho nhân viên của bạn.

11h30 trưa, Trang – nữ nhân viên kế toán trẻ, vội vã mang tập tài liệu vào phòng sếp, cô hồ hởi nói:

  • “Anh ơi, em gửi anh báo cáo tài chính theo yêu cầu gấp của anh đầu giờ sáng nay ạ.”

Sếp mặt căng thẳng đang bận hí hoáy, gõ bàn phím lách cách, không kịp ngẩng đầu lên nhìn Trang, mắt vẫn nhìn chằm chằm vào máy tính nói vọng ra:

  • “Ừ, em làm nhanh đấy, cứ để trên bàn giúp anh, cảm ơn em!”

Nét mặt hồ hởi trên gương mặt của Trang tan ra rồi biến mất, có vẻ cô chưa hài lòng với những gì nhận được sau khi phải nỗ lực cả buổi sáng để hoàn thành yêu cầu gấp của sếp.

  • “Ừ, em làm nhanh đấy…” một lời khen của sếp, một củ cà rốt tươi (khen ngay lập tức). Nhưng nó không được ngon cho lắm!

Lời khen có sức mạnh tạo động lực tức thì, nhưng nó cũng là một “con dao hai lưỡi”.

Nếu bạn sử dụng không đúng cách, lời khen có thể mất hoàn toàn tác dụng, thậm chí còn khiến bạn “tự cứa” vào tay mình.

Trong trường hợp này, sếp khiến Trang cảm thấy lời khen của anh không hề chân thành, một lời khen chiếu lệ cho có.

Anh thậm chí còn không ngẩng mặt lên, nhìn thẳng vào mắt cô, khi nói lời cảm ơn!

Làm thế nào bạn khen ngợi đúng cách?

Thứ nhất: Hãy khen NGAY LẬP TỨC để giữ cho củ cà rốt thật tươi roi rói.

Thời điểm rất quan trọng!

Ngay khi bạn biết nhân viên làm tốt điều gì đó, hãy ngay lập tức đưa ra lời khen ngợi. Nếu không gặp được trực tiếp, bạn hãy gọi điện, nhắn tin hay gửi email khen ngợi.

Thứ hai: Khen ngợi thật CỤ THỂ để củ cà rốt giữ được vị ngon mát.

Ví dụ: Anh đã trình bày rất tốt bản báo cáo cuối tháng của phòng! Ban giám đốc đánh giá rất cao khả năng của anh và phòng chúng ta.

Hãy sử dụng những dẫn chứng cụ thể (có số liệu càng tốt) để khen ngợi như:

  • “Năng suất phân xưởng chúng ta tăng 10% năm nay”, hoặc:
  • “Báo cáo của anh đã giúp công ty chúng ta thắng lợi trong hợp đồng với công ty A”.

Những nhận xét quá chung chung như:

  • “Cảm ơn những cố gắng của anh!”,
  • “Tôi không biết phải làm gì nếu không có anh!”, hoặc:
  • “Hãy làm việc tốt như vậy nhé!”

Những lời khen chung chung kiểu này thường ít vẻ chân thành và đem lại hiệu quả thấp.

Thứ ba: Khi khen ngợi, hãy nói lên cảm xúc của bạn, để tăng thêm gia vị cho củ cà rốt.

Sau khi khen ngợi nhân viên của mình, hãy nói cho họ rõ bạn cảm thấy như thế nào về việc họ đã làm. Hãy nói thật lòng những cảm nghĩ từ trái tim của bạn:

  • “Tôi hết sức hãnh diện sau khi nghe anh trình bày báo cáo tài chính tại hội nghị các giám đốc vùng. Rất cảm ơn anh!”.

Đúng vậy: Hãy bắt đầu bằng lời khen!

Đó chính là những củ cà rốt tươi mát tạo động lực tức thì cho nhân viên.

Và nhớ cẩn trọng với con dao hai lưỡi của bạn, bằng cách khen ngợi thật đúng cách.

ÁP DỤNG BÍ QUYẾT #2: CẨN TRỌNG VỚI CON DAO HAI LƯỠI CỦA BẠN.

Bây giờ, hãy đến gặp một nhân viên. Rồi khen ngợi họ bằng trái tim chân thành của bạn.

Bí quyết tạo động lực #3: Tắt radio đi và lắng nghe chim hót!

Dũng là nhân viên kinh doanh mới vào công ty. Anh thuộc típ người hoài cổ, có thói quen tập thể dục và nghe radio buổi sớm trước khi đi làm.

Giọng nói hút hồn phát ra từ chiếc radio, khiến Dũng không nghe thấy những chú chim sâu đang hót ríu rít, chuyền từ cành nọ sang cành kia. Sau bữa sáng:

Dũng hồ hởi lái xe đến văn phòng, trong đầu ngập tràn những ý tưởng mới thú vị, mà anh dự định đề xuất trong cuộc họp về chiến dịch bán hàng lần này.

Anh hình dung quang cảnh các đồng nghiệp đang vỗ tay bôm bốp, khen ngợi ý tưởng của mình, còn gương mặt của sếp thì đầy nét tự hào.

Miệng mỉm cười khoái chí, Dũng vừa đi vừa huýt sáo, cảm thấy động lực thật tràn trề.

Lãnh đạo lắng nghe, nhân viên hiến kế:

Đúng như dự đoán, sếp mới của anh mở màn cuộc họp bằng cách công bố mục tiêu doanh số của quý III rồi đặt câu hỏi cho cả phòng:

  • Các anh chị có ý kiến gì về mục tiêu này không?

Dũng đảo mắt nhìn quanh, mọi người vẫn ngồi im phăng phắc, một số người chỉ cúi mặt nhìn chằm chằm vào quyển sổ. Trực giác mách bảo: Có điều gì đó không ổn ở đây?

  • Nếu các anh chị không có ý kiến gì, tôi sẽ trình bầy kế hoạch triển khai và phân công công việc trong quý tới.

Sếp nói tiếp. Sau đó, ông hăm hở trình bầy toàn bộ kế hoạch triển khai và phân công nhiệm vụ cho các thành viên.

Thi thoảng một vài nhân viên đáp lại: “Dạ, vâng…” hoặc đứng lên hỏi rõ nhiệm vụ của mình.

30 phút trôi qua, sếp vẫn mải miết trình bầy, không khí trong phòng bắt đầu trở nên đơn điệu.

Giọng sếp vẫn sang sảng liên hồi, khiến Dũng có cảm giác quen thuộc… Hình như, sếp giống như chiếc đài radio của mình: “còn pin, thì còn nói”.

  • Dũng có ý kiến gì không? Bất chợt, sếp quay sang hỏi anh.

Có vẻ như sếp muốn nghe ý tưởng của nhân viên mới.

Như bắt được cơ hội vàng, Dũng lập tức đứng dậy, trình bầy những ấp ủ mà anh kỳ công chuẩn bị suốt mấy ngày qua.

Có lẽ do mới chuyển về, còn thiếu thông tin, nên một vài ý tưởng của Dũng không khả thi. Gương mặt của sếp bắt đầu lộ vẻ không hài lòng.

Không thể kiên nhẫn hơn, sếp lập tức ngắt lời Dũng:

  • Ý tưởng của cậu khá thú vị, nhưng không thực tế!
  • Cậu cần tìm hiểu thêm về hiện trạng của công ty để đưa ra những ý tưởng khả thi hơn.

Mặt ửng đỏ, mồ hôi lấm tấm, Dũng cảm thấy xấu hổ sau khi bị sếp thẳng thừng từ chối trước mặt cả phòng.

Anh ngồi xuống, miệng im bặt giống như các đồng nghiệp khác trong phòng…

Tình huống này có vẻ hơi thái quá, thực tế liệu có còn tồn tại những vị sếp như vậy?

Điều đó không quan trọng, điều quan trọng là, bạn có đang: “lắng nghe” nhân viên của mình?

Tự trả lời câu hỏi sau:

  • Khi nói chuyện với nhân viên, thời gian bạn nói chiếm bao nhiêu %? Thời gian bạn lắng nghe để nhân viên nói chiếm bao nhiêu %? (hãy so sánh tỷ lệ)
  • Nhân viên của bạn có được thoải mái nói ra ý kiến, quan điểm của mình không? Thậm chí kể cả khi quan điểm của họ là sai?
  • Trong cuộc họp, các nhân viên của bạn có thoải mái thảo luận, trình bầy ý kiến một cách rôm rả không?

Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân viên, ý tôi là thực sự lắng nghe ấy, là cách tạo động lực rất hữu hiệu. Bởi vì:

Khi bạn “lắng nghe” có nghĩa rằng, bạn đang tạo cơ hội, để nhân viên được thể hiện cái tôi (bản ngã) của mình.

Ngày hôm đó, Dũng trở về nhà, tâm trạng anh nặng chĩu. Anh quyết định: Mình phải thay đổi điều gì đó!

Sáng sớm hôm sau:

Dũng đứng giữa khu vườn nhỏ, tắt radio đi và “lắng nghe” những chú chim sâu hót ríu rít thật vui tai… Anh cảm thấy tinh thần thoải mái và tươi mới cho ngày làm việc đầy động lực.

ÁP DỤNG BÍ QUYẾT #3: TẮT RADIO ĐI VÀ LẮNG NGHE CHIM HÓT!

Bây giờ, tôi mời bạn tham gia trò chơi như sau:

  • Tìm một nhân viên, bắt chuyện với họ, trong 3 – 5 phút.
  • Bạn chỉ được quyền đặt câu hỏi, sau đó, ngồi lắng nghe họ nói…
  • Khi lắng nghe, bạn nhớ: Gật đầu, mỉm cười, hoặc thốt ra À, ừm…

Tôi hóng chờ “lắng nghe” kết quả từ bạn!

Bí quyết tạo động lực #4: Đóng những “cái tên” lên bảng vàng danh vọng.

Khi còn là đứa trẻ nghèo, vua thép Andrew Carnegie bắt được một con thỏ cái.

Không lâu sau, chú thỏ này sinh được một đàn con, nhưng Carnegie không thể tìm đủ thức ăn cho chúng. Ông liền nảy ra một kế:

Nhờ những đứa trẻ hàng xóm đi góp nhặt thức ăn cho thỏ. Đây quả là một ý tưởng hay phải không bạn?

Nhưng rất tiếc, đời không như là mơ! Lũ trẻ chẳng có chút hứng thú nào để làm việc này.

Andrew Carnegie trau mày nhăn trán, làm thế nào thúc đẩy các bạn của mình hành động?

Cuối cùng ông đề xuất:

  • “Ai giúp tớ, thì tớ sẽ dùng tên người ấy, để gọi những chú thỏ con”.

Kết quả thật vi diệu, lũ trẻ hồ hởi đi góp nhặt thức ăn giúp Carnegie.

Sau này, trong kinh doanh, Carnegie thường xuyên dùng lại bí quyết này. Ví dụ:

Ông lấy tên giám đốc một công ty tàu hỏa để đặt tên cho xưởng sản xuất thép của mình. Nhờ vậy mà Carnegie sinh lời rất nhanh, do công ty tàu hỏa đó trở thành “khách hàng thân thiết”, mua đường ray xe lửa của Carnegie.

Hầu hết mọi người đều khát khao danh vọng, và họ luôn nỗ lực để được người khác xướng tên mình!

Hãy hình dung! Nhân viên của bạn sẽ hào hứng làm việc, khi bạn trao cho họ cơ hội được “ghi danh” trước người khác.

  • Bạn chỉ việc gắn “tên” của họ với những ý tưởng hay, những chương trình hay dự án quan trọng.
  • Hoặc đơn giản hơn, là hãy gọi tên của họ mỗi ngày!

Đúng vậy! Nếu bạn đang ngồi cạnh đồng nghiệp của mình! Hãy quay sang và gọi tên họ!

ÁP DỤNG BÍ QUYẾT #4: ĐÓNG NHỮNG “CÁI TÊN” LÊN BẲNG VÀNG DANH VỌNG.

Trong cuộc họp tới đây, bạn gọi tên một nhân viên (đã hoàn thành nhiệm vụ), rồi vinh danh họ trước mặt mọi người.

Bạn sẽ thấy: Đôi mắt của họ giãn ra, miệng mỉm cười, với vẻ mặt đầy tự hào…

Thử xem có đúng không nhé!

Bí quyết tạo động lực #5: Bánh vẽ rất ngon nhưng nó có độc!

Một năm trước, khi công ty đứng trước bờ vực phá sản, Nam là số ít nhân viên trung thành ở lại công ty.

Nhiều người ra đi, khi tương lai của công ty đen tối, mặc cho sếp kêu gọi họ ở lại cùng chia sẻ khó khăn.

  • “Những lúc hoạn nạn, mới hiểu được lòng nhau”.

Sếp sụt sùi cảm động trước sự trung thành của Nam và một số đồng nghiệp khác. Vì vậy, sếp đã hứa hẹn nhiều điều:

  • “Công ty biết ơn các bạn! Và không bao giờ quên sự cống hiến này. Anh sẽ tăng lương cho các bạn khi công ty hồi phục”.

Lời hứa tăng lương đã tiếp thêm động lực, giúp mọi người làm việc cả ngày lẫn đêm, nhằm vực công ty trở dậy.

Sau một năm, với sự nỗ lực của mọi người, kết quả kinh doanh của công ty có bước khởi sắc và hiện giờ nó đang trên đà phát triển.

Công việc của Nam cứ thế trôi qua, mức lương mà anh nhận được sau 2 năm không có gì thay đổi. Lời hứa lúc khó khăn của sếp vẫn chưa thấy thực hiện.

Đã đến lúc phải lên tiếng. Nam viết đơn đề nghị sếp tăng lương, nhưng mấy tháng rồi, vẫn chưa có kết quả. Có vẻ như sếp không hào hứng với chuyện này, nói nhiều lần Nam cũng thấy ngại.

Cuối cùng, một phần là vì thu nhập, phần khác cũng vì mất lòng tin nơi sếp, Nam xin nghỉ việc và sang công ty khác để làm.

Bao đời nay, “Bánh vẽ” luôn là một trong những phương thuốc được các sếp ưa dùng để tạo động lực cho nhân viên, ví như:

  • Hứa tăng lương,
  • Hứa khen thưởng,
  • Hứa thăng quan tiến chức…

Vì đang háu đói, ngay khi được ăn “bánh vẽ”, nhân viên cảm thấy tràn đầy động lực.

Thậm chí, trong dài hạn, bánh vẽ sẽ thành công vang dội nếu lời hứa của bạn trở thành hiện thực, tên của bạn sẽ được nhân viên khắc cốt ghi tâm…

Nhưng sẽ là bầu trời đen tối, nếu lời hứa của bạn tan theo mây đen, giống như lời tâm sự kể trên. Bởi vì, trong bánh vẽ có 2 loại độc tố:

  • Bạn quên hoặc chủ động quên lời hứa năm xưa của mình.
  • Bạn muốn thực hiện lời hứa, nhưng lực bất tòng tâm, vì hoàn cảnh mà bạn không thể thực hiện được.

Câu hỏi đặt ra là: “Có nên sử dụng bánh vẽ để tạo động lực cho nhân viên?”

Có! Bạn chỉ cần khử độc khi sử dụng bằng cách:

  1. Chia sẻ chiếc bánh như một “cơ hội” chứ không phải là “lời hứa”. Bởi vì, là “cơ hội” nó có thể thành công hay thất bại, tùy thuộc vào sự nỗ lực của nhân viên và đội nhóm. Hãy nhớ: Đó là cơ hội!
  2. Nếu đã hứa, hãy thực hiện lời hứa của mình. Không những nhân viên của bạn sẽ vô cùng cảm kích, mà tiếng thơm của bạn sẽ bay xa muôn dặm.
  3. Trong trường hợp bạn không thể thực hiện lời hứa, lực bất tòng tâm, hãy thẳng thắn xin lỗi nhân viên và chân thành trình bầy lý lo. Nhân viên của bạn sẽ thông cảm ngay thôi.

Đúng vậy! Khi bạn khử độc cho chiếc bánh, nó sẽ rất ngon và an toàn.

ÁP DỤNG BÍ QUYẾT #5: BÁNH VẼ RẤT NGON, NHƯNG NÓ CÓ ĐỘC!

Thử nghĩ xem, bạn từng hứa với nhân viên điều gì?

Liệu bạn có thực hiện được lới hứa đó không?

Bí quyết tạo động lực #5: Monkey see, monkey do.

“Monkey see, monkey do” là một thành ngữ nổi tiếng xuất phát từ chuyện cổ tích của xứ Mali.

Tất nhiên, nguồn gốc của nó vẫn còn nhiều tranh cãi, bởi vì có những câu chuyện tương tự xuất hiện trong nhiều nền văn hóa khác như: Ai Cập, Sudan, Ấn độ, Trung Quốc, Nga và cả Anh quốc.

Mà thôi, hãy quay trở lại chủ đề tạo động lực nào!

Có một anh bán mũ dừng cái xe mũ dưới một gốc cây xanh để nghỉ mệt; làn gió mát khiến anh chàng ngủ thiếp đi. Một đàn khỉ từ trên cây leo xuống lấy trộm hết số mũ của anh, rồi leo tót lên các cành cây cao.

Khi thức dậy, thấy mất mũ nhưng anh không thể leo lên cây cao để lấy lại số mũ đã bị khỉ lấy đi. Anh chỉ biết đứng dưới đất chỉ tay lung tung lên cây để la hét bầy khỉ một cách giận dữ.

Anh càng nhẩy lên, càng vung tay la mắng chúng, thì bầy khỉ càng bắt chước la ó, chỉ trỏ rồi nhẩy lung tung trên cây giống hệt như anh vậy…

Một tia sáng chợt léo lên trong đầu! Anh nghĩ ngay ra một cách:

Anh làm bộ tức giận, rồi lấy cái mũ đang đội trên đầu quăng ngay xuống đất; tức thì bầy khỉ cũng bắt chước quăng hết mũ xuống đất.

Thế là anh ta thu về trọn vẹn số mũ mà lũ khỉ đã lấy đi.

Monkey see, monkey do: Khỉ thấy sao sẽ làm y như vậy!

Nếu muốn nhân viên làm việc gì, bạn cần thực hiện việc đó trước, để “làm gương”. Khi nhân viên nhìn thấy “bạn làm”, họ sẽ có xu hướng làm theo bạn.

Đúng vậy! Bạn muốn nhân viên có động lực hừng hực?

Trước tiên, hãy để cho họ “nhìn thấy” động lực hừng hực trong ánh mắt và trái tim của chính bạn.

Bí quyết tạo động lực #6: Hãy soi gương trước khi ra khỏi nhà vệ sinh.

Anthony Robbin là bậc thầy trong lĩnh vực “truyền động lực” cho người khác. Ông là triệu phú ở độ tuổi 24, một doanh nhân thành đạt (sáng lập 9 công ty) và là một trong những tác giả có sách bán chạy nhất toàn cầu.

Điều gì giúp Anthony Robbin thành công đến vậy?

Bởi vì ông đã dành cả cuộc đời say mê tìm câu trả lời cho câu hỏi:

  • “Điều gì tạo nên một cuộc sống thành công?”

Để giúp mọi người tạo ra những kết quả phi thường và đạt được sự viên mãn cá nhân. Ông cho rằng bạn sẽ đạt được thành công khi có khả năng làm chủ 5 yếu tố có ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn nhiều nhất:

  • Làm chủ cảm xúc.
  • Làm chủ cơ thể.
  • Tạo dựng và duy trì mối quan hệ.
  • Quản lý tài chính.
  • Làm chủ thời gian.

Trong đó, bí quyết khai phá của Anthony là tập trung vào “làm chủ trạng thái cơ thể”. Khi làm chủ được trạng thái cơ thể, bạn sẽ làm chủ được tinh thần, cảm xúc và năng lượng của mình.

“Năng lượng thấp, động lực thấp. Năng lượng cao, động lực cao”.

Hãy hình dung, buổi sáng bạn đến văn phòng, bước chân nặng trĩu, cơ thể uể oải, hiển hiện trên gương mặt là 2 chữ “mệt mỏi” to tướng, bạn chẳng có động lực nào để làm việc hăng say.

Điều gì sẽ xảy ra?

Cảm xúc giống như con virut lây lan từ người này sang người khác.

Khi nhân viên nhìn thấy cơ thể mệt mỏi của bạn, monkey see monkey do, họ cũng trở nên uể oải, động lực làm việc tụt xuống như chiếc nhiệt kế cho vào tủ lạnh.

Mỗi buổi sáng, trước khi bước vào văn phòng, Nam tranh thủ đi vào nhà vệ sinh.

Anh nhìn lại gương mặt của mình trong gương:

  • Đưa hai ngón tay đẩy khóe miệng của mình lên trên, nhằm tạo ra một nụ cười.
  • Rồi ưỡn ngực, bước chân mạnh mẽ vào văn phòng với một nụ cười tươi rói.

Bởi vì, anh hiểu rằng, cơ thể tràn đầy năng lượng của mình sẽ truyền động lực cho nhân viên. Anh chủ động để cho con “virut động lực” ấy lây lan vào từng ngõ ngách trong văn phòng của mình.

ÁP DỤNG BÍ QUYẾT #6: HÃY SOI GƯƠNG TRƯỚC KHI RA KHỎI NHÀ VỆ SINH.

Bây giờ, hãy đảm bảo rằng, cơ thể của bạn được chấn chỉnh (với dáng điệu tràn đầy năng lượng) để truyền động lực cho nhân viên.

Bí quyết tạo động lực #7: Ít cũng được nhưng phải tưới cây mỗi ngày.

Không phô chương, cũng chẳng cần hoa mỹ… Bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy rõ 3 chiếc chìa khóa mà những người thành công luôn đeo rủng rỉnh ở cạp quần, bao gồm:

  • Có MỤC TIÊU rõ ràng.
  • CHĂM CHỈ thực hiện mục tiêu đó.
  • Và KIÊN TRÌ theo đuổi đến cùng.

Xin kể một câu chuyện đời thường thế này:

Vào một đêm đang ngủ say, vợ tôi tỉnh giấc, lay tôi dậy rồi thì thầm:

“Anh, hay là cuối tuần này mình trồng rau sạch ăn đi…”

Điều gì phải đến cũng đến, tiểu dự án “vườn rau sạch” của gia đình ra đời với mục tiêu phải được hoàn thành trong vòng hai tuần.

Mọi chuyện rất suôn sẻ khi cả hai vợ chồng chăm chỉ, cầy cuốc, thiết kế vườn rau… Bởi vậy mục tiêu được hoàn thành đúng hạn.

Tôi được phân công nhiệm vụ “tưới rau vào mỗi buổi sáng”.

Những ngày đầu, rất háo hức với vườn rau xanh mát, tôi dậy thật sớm và tưới tắm cho từng cây rau một.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, công việc tưới rau dần trở nên nhàm chán.

Có lẽ bạn dễ dàng đoán được điều gì xẩy ra tiếp theo…

Tôi bắt đầu “bỏ bữa”, một ngày nọ, tôi ngại không tưới rau nữa và nghĩ 1 ngày chắc không sao đâu. Rồi thêm một ngày nữa không tưới…

Tiếng chuông báo động thực sự rung lên, khi 1/3 vườn rau bắt đầu héo, có một số cây đã chết…

Thử hình dung, diễn biến tâm lý của dự án “vườn rau sạch”, cũng giống như các dự án nơi công sở:

  • Ban đầu nhân viên của bạn rất háo hức với công việc mới, thách thức mới, và niềm hi vọng mới…
  • Chỉ một thời gian sau, vì lý do nào đó, mà động lực của họ bắt đầu sụt giảm.

Nếu coi nhân viên là những cây rau xanh mát trong vườn, thì tạo động lực giống như việc bạn tưới nước cho cây mỗi ngày.

Rau không cần quá nhiều nước, rau chỉ cần một lượng nước vừa đủ, nhưng phải đều đặn mỗi ngày.

Chỉ cần một ngày, hai ngày không tưới, rau của bạn sẽ héo, thậm chí sẽ chết.

Đừng đợi tiếng chuông báo động, đừng đợi cho đến khi “ngọn lửa động lực” trong nhân viên của bạn héo mòn…

ÁP DỤNG BÍ QUYẾT #7: HÃY TƯỚI CÂY MỖI NGÀY!

Thử nghĩ xem:

Trong số các nhân viên của bạn: Có người nào? lâu lắm rồi, không nhận được lời khen ngợi nào từ bạn không?

Hãy đến và tưới cây ngay!

 

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, Chia sẻ nó cho đồng nghiệp của mình!